THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

Ngành Công nghệ thông tin

Mã ngành 7480201
Chỉ tiêu
Theo xét KQ thi TN THPT

360

Theo xét theo phương thức khác (Học bạ, tuyển thẳng)

240

Môn xét tuyển (mã tổ hợp)
  • D01 - Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh
  • D07 - Toán, Hóa học, Tiếng Anh
  • A01 - Toán, Vật lý, Tiếng Anh
  • A00 - Toán, Vật lý, Hóa học
Tổng quan
CNTT là một ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin. CNTT là một ngành đào tạo ngày càng phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, bởi vì ứng dụng của nó là hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, ngân hàng, hàng không cho đến an ninh quốc phòng và hiện là ngành được đầu tư và chú trọng ở mọi quốc gia.
Nhu cầu thị trường

Đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cần 10.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc họp bàn hợp tác giữa Đại học Huế và Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về Đề án phát triển nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 được tổ chức tại Đại học Huế ngày 14/3/2020. Tham dự và chủ trì cuộc họp có đồng chí Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh và các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu đến hết năm 2020 là đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực CNTT làm việc tại Huế; đến năm 2025 có hơn 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT phục vụ nhu cầu phát triển CNTT của Tỉnh. Để đạt được những mục tiêu đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động CNTT một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài.

Đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quyết tâm để phát triển CNTT và tìm kiếm, thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm phát triển lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất là đào tạo, thu hút đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT, do đó đây là bài toán để các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế suy nghĩ để có hướng đi phù hợp cho sự phát triển CNTT trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đang có thế mạnh về đào tạo CNTT với các ngành đào tạo của các trường đại học Sư phạm, Khoa học, Kinh tế, Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ nên có thể đảm bảo số lượng, cũng như chất lượng nguồn nhân lực CNTT để  cung cấp cho tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ mục tiêu phát triển. Hiện nay, Đại học Huế có đội ngũ giảng viên trình độ, chất lượng cao, cơ sở vật chất đảm bảo và đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp, cộng với đó là chi phí đào tạo thấp, môi trường học tập ở Huế trong lành, an toàn cho người học và tin tưởng sẽ thu hút được người học có chất lượng vào học các ngành trong lĩnh vực CNTT.

Theo báo cáo khảo sát nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn Tỉnh của Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thì 85% sinh viên học ngành CNTT cho rằng cơ hội tìm được việc làm là cao và rất cao. Qua đó, có thể nhận định tương lai ngành CNTT có xu hướng phát triển mạnh vì số lượng sinh viên, học sinh cho rằng cơ hội việc làm ngành này cao.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế khẳng định Đại học Huế sẽ tập trung, thống nhất nguồn lực chung để đào tạo nguồn nhân lực ngành CNTT; mạnh dạng đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp; ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp CNTT hợp tác trong đào tạo cũng như phát triển kinh doanh trong lĩnh vực CNTT.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, địa phương đang rất cần nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để phục vụ các mục tiêu phát triển của Tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và có sự kết hợp hài hòa giữa cung và cầu trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Về phía Tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới.

Tại cuộc họp đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp, các sở ban ngành của địa phương và các trường đại học nhằm đóng góp cho sự phát triển CNTT của Tỉnh nói chung và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT nói riêng như: công tác tuyên truyền, quảng bá, tăng cường nhận thức về CNTT cho nhân dân; công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông về CNTT; các chính sách về phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao; vấn đề về môi trường làm việc, môi trường học tập cho nguồn nhân lực CNTT; sự phối hợp, hợp tác đào tạo, tuyển dụng giữa nhà trường và doanh nghiệp...

Triển vọng nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau:
  • Chuyên viên gia công, phát triển và kiểm thử phần mềm, thiết kế Website tại các công ty phần mềm trong và ngoài nước;
  • Chuyên viên tư vấn và thiết kế giải pháp mạng, giải pháp công nghệ thông tin, vận hành và phát triển các hệ thống thông tin cho các cơ quan và doanh nghiệp;
  • Chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì các phần mềm máy tính trong các tổ chức, doanh nghiệp;
  • Giảng dạy về ngành Công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và các trường phổ thông.

Lựa chọn trường Đại học Khoa học là nơi học tập & rèn luyện

Sinh viên lựa chọn Trường ĐHKH làm nơi học tập và rèn luyện có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, bởi chiến lược, chương trình đào tạo, kế hoạch quảng bá và chương trình tiếp thị việc làm được quan tâm, thực hiện thường xuyên và hiệu quả.