Em đã tốt nghiệp THPT, do đó em có quyền đăng ký xét tuyển đại học vào những ngành mà trường đó có tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT. Năm 2022, Trường Đại học Khoa học Huế tuyển sinh 23 ngành với 1.369 chỉ tiêu. Trong đó, Ngành Công nghệ thông tin xét tuyển dựa vào vào kết quả học bạ THPT với 150 chỉ tiêu, em có thể đăng ký xét tuyển nhé.
Muốn học Cao đẳng hay Đại học, học sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Do đó, dù đăng ký xét tuyển theo hình thức xét điểm học bạ, nếu chưa tốt nghiệp THPT, em cần phải đăng ký dự thi THPT để xét tốt nghiệp THPT.
Năm 2022, Trường Đại học Khoa học tuyển sinh ngành Kiến trúc (105 chỉ tiêu) với 3 tổ hợp xét tuyển V00 (Toán, Vật lý, Vẽ Mỹ thuật-hs 1,5), V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ Mỹ thuật-hs 1,5) và V02 (Toán, Tiếng Anh, Vẽ Mỹ thuật-hs 1,5). Điều kiện xét tuyển: Môn Vẽ Mỹ thuật chưa nhân hệ số >= 5,0 điểm.
Thí sinh có thể dự thi môn năng khiếu (Vẽ Mỹ thuật) do Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức HOẶC sử dụng kết quả thi môn năng khiếu (Vẽ Mỹ thuật) của các trường: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng để đăng ký xét tuyển.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nhiều ngành vào cùng một Trường. Một ngành được xem là một nguyện vọng.
Theo Đề án tuyển sinh của Trường, điểm trúng tuyển xét theo ngành và phương thức xét tuyển, không phân biệt các tổ hợp môn xét tuyển. Vì vậy, căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập THPT (Học bạ), em lựa chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, khi đó khả năng trúng tuyển là cao nhất.
Về nguyên tắc, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp cho cùng một ngành. Tuy nhiên, Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Huế, điểm trúng tuyển xét theo ngành, không phân biệt các tổ hợp môn xét tuyển. Vì vậy, căn cứ vào kết quả thi, em chỉ cần lựa chọn 01 tổ hợp có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, khi đó khả năng trúng tuyển là cao nhất đối với em.
Điểm trúng tuyển xét theo ngành và phương thức tuyển sinh, không phân biệt các tổ hợp xét tuyển trong một ngành. Nghĩa là điểm trúng tuyển của các tổ hợp trong một ngành là bằng nhau.
Ví dụ:
STT | Ngành đào tạo | Mã ngành | Tổ hợp xét tuyển | Mã tổ hợp |
Điểm trúng tuyển |
1 | Hóa học | 7440112 | 1. Toán, Lý, Hóa | A00 | 14,75 |
2. Toán, Hóa, Sinh | B00 | ||||
3. Toán, Hóa, Anh | D07 | ||||
2 | Lịch sử | 7229010 | 1. Văn, Sử, Địa | C00 | 14,50 |
2. Văn, Sử, Anh | D14 | ||||
3. Văn, Sử, GDCD | C19 |
Do đó, khi đăng ký xét tuyển vào một ngành nào đó, thí sinh chọn tổ hợp nào mà khả năng tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển là cao nhất.
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, thí sinh được đăng ký xét tuyển không hạn chế số nguyện vọng, số trường, nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
– Đối với từng trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Nghĩa là thí sinh nào có điểm cao hơn thì trúng tuyển, không phân biệt thứ tự nguyện vọng đăng ký.
– Đối với mỗi thí sinh việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đăng ký. Thí sinh chỉ được trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đăng ký.
Trường hợp của em đủ điểm trúng tuyển cả 3 nguyện vọng vào 3 trường, nhưng em chỉ được báo trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên cao nhất là nguyện vọng 1 thôi.
Chính vì vậy, em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Chương trình đào tạo của tất cả các ngành đào tạo thuộc Trường Đại học Khoa học Huế đều có học phần Kỹ năng mềm, thời lượng 03 tín chỉ, nội dung giảng dạy gồm 4 kỹ năng: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng làm việc nhóm. Nội dung của học phần có thể tóm tắt như sau:
Học phần Kỹ năng mềm tập trung rèn luyện và phát triển ba kỹ năng cơ bản cho người học: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng thuyết trình và Kỹ năng làm việc nhóm. Các nội dung có tính chất thực hành chiếm thời lượng chủ yếu so với các nội dung có tính chất lý thuyết.
– Kỹ năng giao tiếp trình bày các khái niệm về giao tiếp, chức năng và các loại hình giao tiếp, nguyên tắc và chuẩn mực, các nghi thức trong giao tiếp; phân tích, thực hành thông qua hệ thống bài tập tình huống thực tế về các kỹ năng giao tiếp trong trường học, nơi làm việc, gia đình, kỹ năng tạo ấn tượng ban đầu và mở đầu quá trình giao tiếp, kỹ năng nói và lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi và phản hồi, kỹ năng duy trì và kết thúc quá trình giao tiếp; rèn luyện, thực hành các kỹ năng sử dụng phương tiện giao tiếp trong những tình huống cụ thể.
– Kỹ năng thuyết trình trình bày các khái niệm, tầm quan trọng và các dạng thức của thuyết trình, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thuyết trình; phân tích, thực hành các bước chuẩn bị thuyết trình; rèn luyện, thực hành kỹ năng tiến hành một bài thuyết trình dựa trên hệ thống các chủ đề và các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thuyết trình.
– Kỹ năng làm việc nhóm trình bày khái niệm, ý nghĩa của làm việc nhóm, các hình thức nhóm, tiêu chí đánh giá nhóm làm việc hiệu quả; phân tích, thực hành các giai đoạn hình thành và phát triển nhóm làm việc hiệu quả; rèn luyện, thực hành thông qua hệ thống các bài tập tình huống thực tế về các kỹ năng cần thiết với cá nhân và tổ chức nhóm để giúp nhóm làm việc hiệu quả.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp, hàng năm, Trường Đại học Khoa học đã thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
- Tổ chức ngày hội tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho sinh viên
- Hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng
- Tăng thời gian và tạo điều kiện cho sinh viên thực tập thực tế tại doanh nghiệp
- Thường xuyên đăng tải thông tin việc làm trên trang web của Trường, Khoa
- Thành lập Tổ quan hệ doanh nghiệp và Khởi nghiệp sinh viên chuyên trách công tác tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên
- Fanpage Cổng thông tin việc làm – Trường Đại học Khoa học Huế