10
10
Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 cho thấy thực tiễn đang rất cần một đội ngũ nguồn nhân lực ngành kỹ thuật về đo đạc và bản đồ đảm bảo về chất lượng phục vụ phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần giải quyết những bài toán toàn cầu và khu vực. Đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, nâng cao dân trí. Cần có đội ngũ nguồn nhân lực của ngành để tham gia xây dựng hệ quy chiếu tọa độ quốc gia hiện đại theo quan điểm động để kết nối chính xác với Hệ quy chiếu động quốc tế ITRF; Hệ quy chiếu tọa độ phục vụ quốc phòng, an ninh. Tham gia xây dựng mạng lưới điểm tọa độ quốc gia làm nền cơ sở của các công tác khác trong ngành kỹ thuật trắc địa - bản đồ. Tham gia xây dựng và cập nhật bản đồ địa hình từ nhiều nguồn dữ liệu phục vụ cho các mục đích khác nhau, tham gia thành lập bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch xây dựng và các loại bản đồ chuyên đề khác; tham gia cập nhật thông tin trên các loại bản đồ và cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ cho việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; Tham gia xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các dạng bản đồ khác nhau đối với đất liền và biển có độ chính xác cao. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân nếu có điều kiện có thể theo học tiếp ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ tại trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hoặc chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.