THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

Ngành Công tác xã hội

Mã ngành 7760101
Chỉ tiêu
Theo xét KQ thi TN THPT

20

Theo xét theo phương thức khác (Học bạ, tuyển thẳng)

12

Môn xét tuyển (mã tổ hợp)
  • C00 - Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
  • D01 - Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh
  • D14 - Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh
  • C19 - Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân
Tổng quan
Năm 2004, Đại học Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành đào tạo Công tác xã hội tại trường Đại học Khoa học với mục đích đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Thời gian từ 2005 – 2010, ngành Công tác xã hội trực thuộc bộ môn ghép Nhân học - Khảo cổ - Văn hóa du lịch - Công tác xã hội thuộc Khoa Lịch sử. Từ năm 2010 - 2014 đã tách ra thành Bộ môn Công tác xã hội trực thuộc Khoa Lịch Sử. Ngày 25 tháng 07 năm 2014 Bộ môn chính thức trở thành Bộ môn Công tác xã hội độc lập trực thuộc trường Đại học Khoa học - Đại học Huế theo Quyết định số 154 QĐ-ĐKKH ngày 25 tháng 07 năm 2014 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học. Từ năm học 2005 - 2006 đến nay, Bộ môn Công tác xã hội đã và đang đào tạo gần 1.500 sinh viên, trong đó đã có 8 niên khóa sinh viên đã tốt nghiệp các hệ Chính quy, Vừa làm vừa học và Liên thông tại trường và các cơ sở liên kết ở khu vực miền Trung. Số lượng sinh viên đầu vào hệ đào tạo chính quy ngành Công tác xã hội hàng năm của Bộ môn tương đối cao và ổn định; và thường duy trì của mức 100 - 150 sinh viên/niên khóa. Bộ môn Công tác xã hội là đơn vị có nhiều nỗ lực trong việc kết nối và mở rộng hợp tác với các trường đại học và các cơ sở/trung tâm xã hội, các địa phương trong nước và các trường đại học và tổ chức nước ngoài (Phần Lan, Mỹ, Úc…). Sự hợp tác đó đã tạo cơ hội quý giá cho sinh viên thâm nhập, nắm bắt thực tế; giúp giảng viên nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Hàng năm, nhiều sinh viên và cán bộ của Bộ môn được cử đi học tập, tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong và ngoài nước…Cụ thể, trong những năm qua đã có hơn 10 cán bộ và sinh viên tham gia các chương trình trao đổi cán bộ và sinh viên ở các trường tại Phần Lan và Mỹ. Những hoạt động đối nội, đối ngoại thành công đó của một ngành đào tạo non trẻ đã giúp Bộ môn khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Nhu cầu thị trường
Công tác xã hội chuyên nghiệp hướng đến thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội, đặc biệt ở khía cạnh phát triển con người và xã hội. Do đó, nghề Công tác xã hội đóng vai trò vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở nhiều quốc gia trên thế giới trong hơn 100 năm qua. Ở Việt Nam, theo ước tính của Hiệp Hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, trung bình 1.000 dân cần có 1 nhân viên công tác xã hội, 500 dân phải có 1 nhân viên bán chuyên nghiệp. Như vậy, với số lượng hơn 90 triệu dân, Việt Nam cần tới 90.000 nhân viên Công tác xã hội và khoảng 180.000 người làm bán chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu hỗ trợ tâm lý-xã hội của người dân trong các lĩnh vực sức khỏe, y tế, giáo dục, xã hội, bảo trợ trẻ em, dịch vụ gia đình và cộng đồng….là rất lớn. Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã thể hiện rõ sự ghi nhận và cam kết thúc đẩy nghề Công tác xã hội ở Việt Nam với Đề án 32 năm 2010 về Phát triển nghề Công tác xã hội trong giai đoạn 2010-2020, Quyết định số 1791 năm 2016 về Ngày Công tác xã hội Việt Nam và các Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ ngành liên quan. Gần đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Quyết định nhằm thúc đẩy phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành y tế và giáo dục.
Triển vọng nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau:
  • Chuyên viên tại các cơ quan Nhà nước, các trung tâm và tổ chức tư nhân trong các lĩnh vực về lao động, việc làm, tiền lương, tổ chức nhân sự, thương binh - xã hội, bà mẹ - trẻ em, hoạt động xã hội - phong trào, tổ chức sự kiện xã hội;
  • Chuyên viên các chương trình dự án, tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế và địa phương, tham gia nghiên cứu và phát triển chính sách hỗ trợ xã hội ở các cấp;
  • Làm việc độc lập với vai trò như là một cán bộ hoạch định chính sách, nhân viên xã hội, một kiểm huấn viên, một chuyên gia tâm lý, hay một nhà nghiên cứu…;
  • Giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
 

Lựa chọn trường Đại học Khoa học là nơi học tập & rèn luyện

Sinh viên lựa chọn Trường ĐHKH làm nơi học tập và rèn luyện có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, bởi chiến lược, chương trình đào tạo, kế hoạch quảng bá và chương trình tiếp thị việc làm được quan tâm, thực hiện thường xuyên và hiệu quả.