THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

Ngành Quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường

Mã ngành 7850105
Chỉ tiêu
Theo xét KQ thi TN THPT

15

Theo xét theo phương thức khác (Học bạ, tuyển thẳng)

10

Môn xét tuyển (mã tổ hợp)
  • A00 - Toán, Vật lý, Hóa học
  • B00 - Toán, Hóa học, Sinh học
  • D07 - Toán, Hóa học, Tiếng Anh
  • D15 - Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh
Tổng quan
Ngành An toàn, Sức khỏe và Môi trường (hay còn được biết đến như HSE, EHS hay SHE) là ngành hoạt động vì sức khỏe và sự an toàn của người lao động, của cộng đồng, sự phát triển bền vững của môi trường, đảm bảo hoạt động đúng pháp luật cũng như bảo vệ danh tiếng của công ty, doanh nghiệp. Chương trình đào tạo cử nhân An toàn, Sức khỏe và Môi trường tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế được xây dựng dựa trên những nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn xã hội khi yêu cầu về  trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động tại các doanh nghiệp ngày một chặt chẽ hơn. Theo học ngành này, ngoài các kiến thức nền tảng về môi trường, người học sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu liên quan đến quản lý an toàn và sức khỏe cho người lao động, bao gồm: Độc học và sức khỏe nghề nghiệp; Y sinh học và bệnh nghề nghiệp; An toàn hóa chất và cháy nổ; Quản lý nguồn lực và quan hệ lao động; Hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường; Tâm sinh lý lao động và Ergonomics;  Quan trắc môi trường lao động; Đánh giá công trình; Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro,… Ngoài ra, sinh viên có cơ hội cao tham gia các khoá thực tập ngắn hạn tại doanh nghiệp và đặc biệt các quốc gia có hợp tác với Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng đồng Châu Âu,…)
Nhu cầu thị trường
Theo quy định của Bộ Lao động và Thương binh xã hội thì tất cả các doanh nghiệp đều cần có chuyên  viên phụ trách về  an toàn, sức khỏe và môi trường nghề nghiệp bởi do  quá trình lao động luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ thiếu an toàn. Chính vì vây, công việc HSE ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết tại nhiều công ty. Việt Nam hiện tại có hơn 300,000 doanh nghiệp vừa và nhỏ; và yêu cầu phải có chuyên viên chịu trách nhiệm bảo hộ lao động (theo Thông tư liên tịch số TTLT 01/2011- TTLT-BLĐTBXH-BYT). Thêm vào đó,  pháp luật và chính sách hiện nay về lao động ngày càng được thắt chặt hơn (đặc biệt về an toàn và vệ sinh lao động, cùng với hiệp định hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT) và hệ thống quản lý ISO 14001 (Hệ thống quản lý môi trường doanh nghiệp),  ISO 45001 (Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp)  đòi hỏi sự có mặt của cán bộ HSE mọi lúc mọi nơi. Trên xu hướng  đó, hầu hết các doanh nghiệp  đều cần cán bộ HSE để quản lý, giám sát tất cả các hoạt động theo quy định và quy trình an toàn – sức khỏe nghề nghiệp - bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn HSE hiện tại vẫn rất khan hiếm. Do vậy, cơ hội việc làm của ngành HSE hiện đang rất rộng mở. HSE đang trở thành một hướng đi mới trong việc lựa chọn ngành nghề ở các doanh nghiệp, đặc biệt ở các công ty lớn và đa quốc gia với môi trường làm việc năng động  và mức lương khá hấp dẫn.
Triển vọng nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau: - Các doanh nghiệp, khu công nghiệp (bộ phận an toàn và sức khỏe nghề nghiệp,  bộ phận quản lý chất lượng môi trường ); - Công ty tư vấn môi trường; - Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ/Sở Lao Động – Thương binh và xã hội, Bộ/Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Chi cục bảo vệ môi trường, Cảnh sát môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường, Phòng tài nguyên và môi trường); - Các cơ quan nghiên cứu và đào tạo (Các viện nghiên cứu về môi trường và các trường đại học, cao đẳng, ...); - Chuyên viên/chuyên gia  tại các tổ chức phi chính phủ. Sinh viên ngành HSE được trang bị các kĩ năng chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ sau:
  • Nhân viên HSE là người trực tiếp thực hiện cũng như giám sát tất cả các hoạt động tuân theo quy định và quy trình an toàn – sức khỏe – môi trường, của các doanh nghiệp.
  • Tư vấn xây dựng hệ thống, quy chế và quy trình về công tác quản lý, bảo đảm an toàn – sức khỏe – môi trường  theo đúng các quy định liên quan của nhà nước, nghĩa là  đáp ứng các yêu cầu của Bộ Lao Động – Thương binh và xã hội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
  • Chịu trách nhiệm quản lý các giấy phép và báo cáo, ví dụ đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường , nội quy an toàn lao động, báo cáo tai nạn lao động, đo kiểm môi trường lao động, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố an toàn hóa chất …
  • Khi xảy ra các sự cố, chuyên viên HSE là người phải thực hiện điều tra các vụ tai nạn trong công việc hay bệnh nghề nghiệp; từ đó xác định đúng nguyên nhân và tìm cách giải quyết các sự việc đó.
  • Tham mưu, đề xuất và áp dụng những thiết bị công nghệ tiên tiến hay các giải pháp khoa học để phục vụ một cách hiệu quả công tác bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Lương ngành HSE Về mức lương, cán bộ an toàn lao động HSE có khoảng lương phổ biến vào khoảng từ 10 – 13 triệu đồng/tháng. Khi đã có nhiều kinh nghiệm và đảm nhiệm vị trí quản lý HSE tại các công ty, tập đoàn lớn, chuyên viên  HSE sẽ có mức lương rất hấp dẫn, từ 17 – 37 triệu đồng/tháng.

Lựa chọn trường Đại học Khoa học là nơi học tập & rèn luyện

Sinh viên lựa chọn Trường ĐHKH làm nơi học tập và rèn luyện có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, bởi chiến lược, chương trình đào tạo, kế hoạch quảng bá và chương trình tiếp thị việc làm được quan tâm, thực hiện thường xuyên và hiệu quả.