10
10
Đồng thời với Sắc lệnh số 45-GD quy định thiết lập Viện Ðại học Huế, Nghị định số 95-GD-NÐ ngày 1-3-1957 của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về tổ chức đại cương lúc sơ khởi của Viện Ðại học Huế, Ban Văn khoa được thành lập. Ngày 21-2-1959 chính quyền Sài Gòn ra Nghị định 61-GD thiết lập 4 trường đại học tại Viện Ðại học Huế, trong đó có Trường Ðại học Văn khoa, ngành Lịch sử nằm trong Ban Sử - Địa.
Ngày 27-10-1976, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 426/CP thành lập Trường Ðại học Tổng hợp Huế. Khoa Văn - Sử ra đời cùng với Quyết định này. Năm 1980, Khoa Lịch sử tách khỏi khoa Văn - Sử thành khoa độc lập.
Đến năm 1994, khi Đại học Huế được tổ chức lại theo Nghị 30/CP của Chính phủ, Khoa Lịch sử tiếp tục là thành viên của trường Đại học Khoa học Huế (tiền thân là Đại học Tổng hợp Huế).
Trong hệ thống chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội rất cần đến những cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ sử học để phục vụ những công việc sau:
- Đối với công tác giảng dạy và nghiên cứu, nhiều trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu có nhu cầu tuyển dụng nhân lực có chuyên môn về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới - quan hệ quốc tế, nhân học, khảo cổ và văn hóa du lịch…, tiêu biểu như: Viện Nghiên cứu Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và nhiều viện nghiên cứu khác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; các Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội - Văn hóa Nghệ thuật tại các tỉnh thành; các cơ quan nghiên cứu Lịch sử Đảng tại các đơn vị công an, quân đội, các ban thuộc tỉnh ủy, huyện ủy các địa phương, các Khoa Lịch sử, Khoa Quan hệ Quốc tế, Khoa Việt Nam học, Quốc tế học, Khoa học xã hội - Nhân văn tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; giảng dạy lịch sử tại các trường trung cấp và các trường Trung học Phổ thông, các trung tâm bảo tồn di tích lịch sử, danh thắng và hệ thống bảo tàng trung ương và địa phương.- Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành của Đảng, chính quyền và đoàn thể từ cấp Trung ương đến cấp phường xã, tiêu biểu như các ban Tuyên giáo, Dân vận, Tổ chức thuộc huyện ủy, tỉnh ủy; các Sở, Phòng, cơ quan văn hóa – thông tin, bộ phận tổng hợp văn phòng của các cơ quan Đảng và chính quyền…cũng có nhu cầu tuyển dụng những sinh viên – học viên tốt nghiệp ngành lịch sử để bố trí trở thành các cán bộ viên chức và công chức, chuyên viên nghiên cứu hoặc chuyên viên tổng hợp.
- Ngoài ra, lĩnh vực du lịch và dịch vụ nhà nước lẫn tư nhân cũng như các chương trình và dự án từ thiện hoặc các tổ chức phi chính phủ là khu vực nghề nghiệp thu hút khá đông các sinh viên tốt nghiệp từ ngành lịch sử vào làm việc.