THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

Ngành Quản trị và phân tích dữ liệu

Mã ngành 7480107
Chỉ tiêu
Theo xét KQ thi TN THPT

20

Theo xét theo phương thức khác (Học bạ, tuyển thẳng)

12

Môn xét tuyển (mã tổ hợp)
  • D01 - Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh
  • A01 - Toán, Vật lý, Tiếng Anh
  • A00 - Toán, Vật lý, Hóa học
Tổng quan

Quản trị và phân tích dữ liệu là một nhánh rẽ quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Phân tích dữ liệu mang tính đa ngành. Các phương pháp toán học, thống kê, kỹ thuật mô tả, mô hình dự báo, học máy, trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi nhằm thu thập những hiểu biết có giá trị từ dữ liệu. Những hiểu biết sâu sắc từ dữ liệu được sử dụng để đề xuất hành động hoặc hướng dẫn ra quyết định trong bối cảnh kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, ngân hàng, hàng không cho đến an ninh quốc phòng. 

Quản trị và Phân tích dữ liệu đang dần trở thành xu hướng của các doanh nghiệp hướng tới để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhờ việc sử dụng những thông tin được phân tích do công nghệ này mang lại. Khi Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, mọi quốc gia đều phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, vào dữ liệu. Trong cuộc chạy đua công nghệ số, người thắng cuộc chính là người làm chủ các nguồn dữ liệu lớn. Đây cũng là lĩnh vực đang trở thành tâm điểm thu hút người học.

Nhu cầu thị trường
Nhu cầu tuyển dụng của ngành Quản trị và Phân tích dữ liệu đang rất lớn. Ở Việt Nam cũng như ở thế giới, nguồn nhân lực ở lĩnh vực này đang ở tình trạng “cung không đủ cầu”. Có thể hình dung bức tranh về nhu cầu nhân lực ngành này qua các phát biểu của các chuyên gia và các thống kê từ các nguồn uy tín sau:
  • Đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cần 10.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc họp bàn hợp tác giữa Đại học Huế và Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về Đề án phát triển nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 được tổ chức tại Đại học Huế ngày 14/3/2020. Phân tích dữ liệu cũng là một trong những nguồn nhân lực quan trọng trong lĩnh vực CNTT.
  • Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định: “Sự khan hiếm nhân lực về Phân tích dữ liệu trên thị trường quốc tế là cơ hội cho các nước có nền tảng toán học và các ngành khoa học tự nhiên tốt ở bậc phổ thông như Việt Nam. Thế giới vẫn còn thiếu 6 triệu chuyên gia phân tích dữ liệu, cơ hội nằm ở những bộ não linh hoạt, điều mà người trẻ Việt Nam có lợi thế
  • TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT - cho biết, “doanh nghiệp làm trong ngành khoa học dữ liệu luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng vì cầu cao hơn cung
  • Ông Lê Minh Hưng, Tập đoàn Viettel, khẳng định: “Nhu cầu nhân lực cả về data engineer và data science trong lĩnh vực dữ liệu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Các doanh nghiêp đều sẽ nhìn dữ liệu như là một cửa tăng trưởng mới”.
  • Theo Bản cập nhật Báo cáo Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin 2019 của VietnamWorks mới phát hành, nhu cầu tuyển dụng và số lượng ứng tuyển trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu đều tăng mạnh. Cụ thể Data Science có số lượng đăng tuyển tăng 121% và lượng ứng tuyển tăng đột biến đến 137% trong trong nửa đầu năm nay so với 2017. Con số này cho Big Data lần lượt là 135% và 56%. Mức lương đăng tuyển cho lĩnh vực Big Data trung bình là 1.690 USD và cho lĩnh vực Data Science là 1.652 USD.
  • Theo TopDev, tại thị trường Việt Nam, hiện có rất nhiều startup lớn nhỏ phát triển các dự án tiềm năng liên quan trực tiếp đến AI và Machine Learning. Vì vậy mức lương cũng như độ "hot" của các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.
  • Theo Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, trung tâm của kỷ nguyên công nghệ đang phát triển như vũ bão chính là dữ liệu (data). Vì vậy, trong tương lai, thị trường việc làm sẽ ưu tiên những kỹ năng liên quan đến dữ liệu và phân tích dữ liệu.
  • Eric Schmidt – Chủ tịch Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) và Jonathan Rosenberg – Cố vấn cấp cao cho CEO Larry Page đồng ý rằng phân tích dữ liệu là kỹ năng hàng đầu mà mọi sinh viên trẻ đều nên học. “Phân tích dữ liệu, ý tôi là những kiến thức cơ bản về cách thức hoạt động của dữ liệu thống kê, hay cách mà mọi người đưa ra kết luận sau khi phân tích khối lượng dữ liệu lớn. Tôi cho rằng kiến thức cơ bản về phân tích dữ liệu là cực kỳ quan trọng với thế hệ những người trẻ tiếp theo. Bởi đó chính là thế giới mà các bạn sắp bước vào”, Chủ tịch Alphabet nhấn mạnh.
  • Theo một dự báo của McKinsey, một trong tứ đại của làng quản lý và tham vấn, nhu cầu tuyển dụng ngành Phân tích dữ liệu đang tăng nhanh một cách chóng mặt. Ước tính ở Mỹ có thể tới gần con số 1.8 triệu vị trí đang cần tìm người trong ngành này. Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đang ráo riết phát triển nhiều chương trình thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cùng với nhiều hoạt động xoay quanh Phân tích dữ liệu.
Triển vọng nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau:
  • Chuyên viên quản trị, phân tích, phát triển và tích hợp cơ sở dữ liệu;
  • Chuyên viên khai phá dữ liệu và xây dựng mô hình;
  • Chuyên viên phân tích thống kê, phân tích kinh doanh;
  • Quản lý (trưởng phòng/ giám đốc) phân tích dữ liệu;
  • Chuyên viên trong các cơ quan hành chính nhà nước hay tư nhân, hỗ trợ các công việc kỹ thuật về xử lý dữ liệu, thống kê và làm các quyết định;
  • Chuyên viên trong các tổ chức, công ty kinh doanh, quản lý và xử lý các tập dữ liệu phát sinh mỗi ngày;
  • Chuyên viên và nghiên cứu tại các viện và trung tâm lớn của quốc gia và cấp tỉnh về xử lý dữ liệu;
  • Trở thành giảng viên và chuyên gia trong các lĩnh vực xử lý dữ liệu, big data hay khoa học dữ liệu.
 

Lựa chọn trường Đại học Khoa học là nơi học tập & rèn luyện

Sinh viên lựa chọn Trường ĐHKH làm nơi học tập và rèn luyện có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, bởi chiến lược, chương trình đào tạo, kế hoạch quảng bá và chương trình tiếp thị việc làm được quan tâm, thực hiện thường xuyên và hiệu quả.